Kỹ Thuật Nuôi Tôm Càng Xanh Nước Ngọt Thâm Canh
Nếu tôm sú và tôm thẻ chân trắng ngày nay được nuôi thâm canh rất nhiều vì mang lại lợi nhuận cao cho bà con nuôi trồng thủy sản thì tôm càng xanh lại ít được biết đến hơn. Tuy không nhiều thịt bằng tôm sú, tôm thẻ nhưng thịt thơm ngon, dinh dưỡng cao, hình dáng gồ gề bắt mắt, rất phù hợp để tăng sự hoành tráng cho bữa tiệc.
Tôm càng xanh có thời gian nuôi dài hơn tôm thẻ, tương đương với tôm sú, khoảng 4-5 tháng, tôm đạt kích cỡ 10 – 20 con/ kg là thu hoạch được. Giá tôm càng xanh trên thị trường hiện nay là gần 400.000/ kg đối với size 8-10 con/ kg. Trước đây, tôm càng được nuôi chủ yếu trong ruộng lúa, ao quảng canh, thả lang xen kẻ với các loài khác như cua cá, bởi vì môi trường nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long rất phù hợp cho sự phát triển của chúng.
Chọn vùng nuôi
Nếu những vụ trước bà con đã thả cá mà không thu được lợi nhuận tốt thì vụ này có thể cân nhắc thả tôm càng xanh trong chính ao này. Thông thường những ao nước ngọt hoặc nước lợ mà nuôi được cá thì đều có thể cải tạo để nuôi tôm.
Tuy nhiên, vì tôm là loài cần rất nhiều oxy, tập tính lột xác ở đáy ao nơi nước ấm và tĩnh, do đó cần chọn ao có nước trong, sạch, gần nguồn nước dồi dào để thay khi có sự cố, bùn đáy ít, ít phèn, pH nước ổn định.
Lót bạt HDPE bờ hoặc toàn bộ ao để tránh nước mưa cuốn trôi đất cát làm đục nước và để hạn chế phèn xì vào nước. Bạt nên chọn loại dày từ 2mm trở lên cho chắc chắn, có thể tái sử dụng được từ vụ này qua vụ khác.
Ao nuôi tôm càng xanh nằm rong khoảng 2.000 – 5.000m2 là hợp lý, sâu từ 1m2 – 1m5. Nếu là ao bạt thì thể tích nước trong ao dao động từ 2.000 – 3.000m3 là phù hợp, vừa dễ xử lý nước, vừa dễ chăm sóc và thu tôm.
Xử lý đầu vụ
Ao mới đào cần được rút cạn nước, hút bùn đáy, phơi đáy nhưng không nên phơi quá khô đến nứt nẻ, tránh để phèn xì lên và đảm bảo khi bón vôi thì vôi bám được vào lớp đất còn hơi ẩm.
Bón vôi nóng CaO 10 kg/100m2 có công dụng ngăn phèn và các kim loại nặng hòa tan vào nước, đồng thời diệt các vi sinh vật gây hại, và còn giúp cân bằng pH nước. Vôi đóng vai trò rất quan trọng và được sử dụng xuyên suốt vụ nuôi.
Sau khi lấy nước vào qua lưới lọc, bà con cần diệt rong bằng đồng sulphat (phèn xanh) 2 kg/1.000m3 nước. Sau đó chạy quạt hết cỡ 2 ngày để kích thích ấu trùng cá tạp, ốc, sinh vật 2 mảnh vỏ, các loài trung gian mang mầm bệnh trong ao nở ra. Sau khi chúng đã nở thì ta diệt chúng bằng saponin hoặc thuốc cá.
Sau 2 ngày diệt cá tạp, vớt xác cá ra khỏi ao thì bà con tiến hành diệt khuẩn. Hóa chất diệt khuẩn có thể là thuốc tím, BKC, Clorine,… Hóa chất này có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, nấm, tảo và thậm chí các loại virus gây bệnh cho tôm, thông qua việc oxy hóa màng tế bào, phá hủy các enzyme đặc biệt điều khiển quá trình trao đổi chất của tế bào.
Tạt vào ngay dàn quạt nước để quạt nước khuếch tán đều khắp ao tăng hiệu quả xử lý.
Gây màu trà cho ao nuôi
Tôm con còn yếu, khả năng bơi và tìm kiếm thức ăn kém, chủ yếu là ăn tảo, động vật phù du và côn trùng thủy sinh thân mềm. Do đó thức ăn tự nhiên trong ao nhiều hay ít sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống và tốc độ sinh trưởng của tôm.
Vì vậy, sau 4-5 ngày kể từ khi diệt khuẩn thì bà con đánh vi sinh EM để gây màu nước, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, tạo tảo để tăng oxy hòa tan, che bớt ánh nắng mặt trời rọi xuống ao.
Ủ vi sinh cám gạo để gây màu theo công thức sau:
1 lit EM Aqua + 1 lit mật rỉ đường + 150ml nước mắm (35 độ đạm trở lên) + 2 kg cám gạo + 46 lit nước, ủ kín trong 5 -7 ngày cho vi sinh lên men.
Sau đó đánh 30 – 50 lit EM cám gạo/1.000m3 nước, liên tục 3-5 ngày cho đến khi đạt được màu nước mong muốn (màu xanh nâu hoặc xanh vàng).
Chọn giống và thả tôm
Cũng như tôm thẻ, tôm sú, tôm càng xanh chọn làm giống cũng cần chọn kích cỡ đồng đều, dài từ 1,2 – 1,5cm, bơi mạnh, màu sắc tươi sáng, gan tụy đẹp.
Đặc biệt, chọn giống tôm đực để nuôi thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn vì tôm đực sẽ nặng gấp đôi tôm cái. Dù tôm càng xanh có thể nuôi quanh năm nhưng để có thể đạt hiệu quả cao nhất thì bà con nên nuôi tôm từ tháng 4 đến tháng 12.
Đối với ao chuẩn bị đón tôm (ao nuôi hoặc ao vèo), bà con phải chuẩn bị nước thật kỹ, pH, kiềm, oxy đạt mức tối ưu. Đánh Yucca để loại bỏ hoàn toàn khí độc trong ao. Tạt vitamin C, khoáng vào nước để khi thả tôm post vào, tôm sẽ đỡ stress sau quá trình vận chuyển và thay đổi nhiệt độ môi trường.
Tôm từ các công ty giống thường về vào ban đêm hoặc sáng sớm. Các bịch chứa tôm giống phải thả trên mặt ao trong khoảng 10- 15 phút để cân bằng nhiệt độ trong và ngoài bọc, sau đó mở bọc cho tôm bơi ra từ từ.
Chăm sóc tôm
Giai đoạn này quyết định sản lượng của ao tôm, nên nhất định phải đầu tư và chú trọng. Cho tôm ăn mỗi ngày 2-3 lần. Tháng đầu tiên nên cho tôm ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp.
Các tháng sau mới cho ăn xen kẽ cám công nghiệp và thức ăn tự chế từ gạo lứt, bắp, đậu tương, ốc, cua, cá, khô dừa, khoai mì… Mỗi ngày phải trộn thêm vitamin C và men tiêu hóa để tăng sức đề kháng và kích thích tôm tiêu hóa tốt, giảm tiêu hao thức ăn.
Cần phải kiểm tra thường xuyên môi trường ao nuôi hàng ngày để đảm bảo cung cấp môi trường nuôi tốt nhất cho tôm càng xanh phát triển. Đảm bảo các thông số môi trường ổn định như: pH dao động từ 7,5 – 8,5, độ kiềm 80 – 120 mg/lit, độ trong 30 – 40cm, nước duy trì màu trà.
Sau 30 ngày có thể phân loại kích cỡ kết hợp san tôm qua ao khác để nuôi thưa cho tôm mau lớn. Bẻ càng tôm để kích thích tôm lớn nhanh và hạn chế hao hụt do ăn thịt lẫn nhau vào thời điểm lột xác. Cần bẻ càng ở đúng khớp gần cơ thể và hạn chế thương tổn nhất bằng cách giữ chặt 2 càng và để tôm búng tự nhiên sẽ tự long càng ra.
Tôm càng xanh dễ bị bệnh đóng rong và bị đốm đen, đây là bệnh do môi trường nước bị ô nhiễm, hại khuẩn nhiều khiến hệ miễn dịch của tôm suy yếu, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm tấn công. Tôm bị đóng rong sẽ khó hô hấp, khó lột xác, nếu thời gian lột kéo dài thì tôm sẽ dễ bị tấn công, không kịp hình thành vỏ mới tôm sẽ chết.
Bà con cần phòng bệnh bằng cách dùng men vi sinh EM Aqua và men xử lý đáy Pond ProNew suốt vụ để làm sạch nước và đáy ao. Khi cặn bẩn do thức ăn thừa, phân tôm, chất hữu cơ từ tảo, rong, bùn bị phân hủy thì khí độc sẽ khó hình thành.
Từ đó hạn chế việc thay nước. Liều lượng sử dụng là 1 lit EM Aqua + 100gr Pond Pro New/1.000m3 nước, 7-10 ngày tạt men vi sinh 1 lần. Càng về cuối vụ thì rút ngắn thời tạt men hoặc tăng liều lên.