Một trong những chức năng của sắc tố carotenoid trong thức ăn của động vật thủy sản là tạo màu sắc cho vật nuôi. Carotenoid có trong thịt và vỏ tôm chính là Astaxanthin.
Đặc điểm
Astaxanthin (C40H52O4) là một loại carotenoid màu đỏ, có thể tan trong chất béo. Là một nhóm sắc tố hiện diện trên một số loài tảo, nấm men và thủy sản (tôm, cá hồi), tạo cho cơ, da, trứng có màu vàng cam hay đỏ. Là chất chống oxy hóa ngăn ngừa sự tạo tách các nguyên tử hydro từ axit béo không no.
Để sản xuất Astaxanthin, có thể lấy từ nguồn tự nhiên hoặc tổng hợp. Tuy nhiên, Astaxanthin chủ yếu được sản xuất bởi các vi tảo Haematococcus pluvialis… Các nhà nghiên cứu đã chứng minh, Astaxanthin không phải là hoocmone nên không gây hại đến khả năng sinh sản của tôm cá, và nó là một chất an toàn về mặt thực phẩm. Năm 1984, Astaxanthin xuất hiện trên thị trường và dần thay thế sắc tố Cantaxathin.
Vai trò của astaxanthin với tôm nuôi
Astaxanthin được coi là chất màu chính trong vỏ và các cơ quan bên trong các loài giáp xác, chiếm 86 – 98% tổng lượng Carotenoid và được chứng minh là có vai trò trong việc tạo màu sắc hấp dẫn của tôm khi chế biến. Các thử nghiệm cho thấy khi bổ sung vào thức ăn cho tôm cùng hàm lượng 100 ppm gồm Astaxanthin, Canthaxanthin và hỗn hợp Astaxanthin-Canthaxanthin. Kết quả là chế độ ăn bổ sung Astaxanthin cho phép tích lũy Carotenoid trong vỏ cao hơn 128% so với Canthaxanthin và cao hơn hỗn hợp Astaxanthin-Canthaxanthin là 135%.
Đối với các loài tôm nuôi để xuất khẩu như tôm thẻ, tôm sú như ngày nay, giá trị thị trường của chúng phụ thuộc rất nhiều vào màu sắc cơ thể, mà tôm không thể tự tổng hợp Astaxanthin; vì vậy, trong quá trình nuôi, người ta phải bổ sung một lượng nhỏ Astaxanthin vào thức ăn, nhằm tạo ra màu sắc được người tiêu dùng ưa thích.
Sự thiếu hụt Astaxanthin trong chế độ ăn của tôm sú được coi là nguyên nhân của “Hội chứng màu xanh”. Tôm bị bệnh, khi nấu lên sẽ có sắc vàng nhạt chứ không có sắc sáng đỏ tự nhiên. Một nghiên cứu đã chỉ ra, khi bổ sung Astaxanthin với lượng 50 ppm cho tôm bị “Hội chứng màu xanh” sau 4 tuần thì tôm trở lại màu sắc bình thường của chúng. Khi phân tích mô từ các nhóm thử nghiệm xác nhận rằng với những con tôm bị bệnh được bổ sung Astaxanthin, hàm lượng Carotenoid tăng 318%; nhóm còn lại không bổ sung Astaxanthin, chỉ dùng thức ăn thị trường thì sự gia tăng Carotenoid chỉ có 14% và vẫn có “màu xanh”.
Hàm lượng sắc tố cần thiết có thể liên quan trực tiếp đến sự tương đồng của các Carotenoid. Vì thế, cả Astaxanthin và Beta-Carotene được đề xuất có trong chế độ ăn của tôm bố mẹ cắt mắt. Do việc cắt mắt tôm bố mẹ ảnh hưởng đến hầu hết các phản ứng sinh hóa liên quan sự trao đổi chất của carotenoids và có thể ngăn chặn các hoạt tính sinh học của retinoids (các dẫn xuất của vitamin A), Retinoids được cho là để kích hoạt cơ chế nội tiết cần thiết cho sự trưởng thành của phôi thai.
Astaxanthin cũng đóng vai trò trong việc nâng cao tỷ lệ sống, tăng trưởng của ấu trùng tôm. Bổ sung Astaxanthin với lượng 100 ppm sẽ làm tăng tỷ lệ sống của ấu trùng tôm lên 91% sau 4 – 8 tuần. Bổ sung 2% nguồn Carotenoids bằng ớt bột với thức ăn tươi cũng giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ sống của ấu trùng Zoea 2. Bổ sung Astaxanthin ở mức 50 mg/kg thức ăn giúp tăng sản lượng trứng ở tôm sú. Với 150 ppm Astaxanthin cho tôm bố mẹ, cải thiện đáng kể chất lượng Nauplii và tỷ lệ sống Zoea.
Astaxanthin còn là chất chống ôxy hóa mạnh, giúp bảo vệ nguồn dự trữ dinh dưỡng của tôm bố mẹ và phát triển phôi khỏi quá trình ôxy hóa. Nó cũng có vai trò trong các hoạt động như dự trữ sắc tố trong phôi và ấu trùng cho sự phát triển của tế bào sắc tố, đốm mắt và là một tiền chất của Vitamin A. Astaxanthin còn thúc đẩy quá trình sinh sản của tôm, làm tăng tính chống chịu stress, tăng khả năng miễn dịch.
Để tôm nuôi trong điều kiện thâm canh đạt được màu sắc tốt, cần bổ sung 50 ppm Astaxanthin vào thức ăn cho tôm trong suốt thời gian nuôi.
Ảnh minh họa: Tầm quan trọng của Astaxanthin trong nuôi tôm thẻ, tôm sú.
Nguồn: thuysanvietnam.com.vn