Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng không sử dụng kháng sinh – Phần 2
5. Chọn giống và thả giống
a. Chọn giống:
Lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng tôm bố mẹ theo quy định; Tôm giống đảm bảo chất lượng: Âm tính với các bệnh đốm trắng, đầu vàng, Taura, hoại tử gan tụy, không bị bệnh phát sáng, không có ký sinh trùng bám. Kích cỡ và sức khoẻ tôm giống: đảm bảo P12, tương ứng chiều dài 9 – 11 mm, có 4 gai trên chủy, màu sáng, tôm khỏe, phụ bộ hoàn chỉnh, đường ruột đầy thức ăn.
b. Thả giống:
– Mật độ thả: 60 – 100 con/m2.
– Cách thả: Thả vào sáng sớm hoặc chiều mát.
– Trước khi thả giống cần chạy quạt nước từ 8 – 12 giờ để đảm bảo lượng oxy hòa tan trong ao phải lớn hơn 4 mg/l.
– Vị trí thả: thả đều các điểm trong ao là tốt nhất.
* Lưu ý:
– Nếu thời gian vận chuyển tôm > 9 giờ, cần có thùng nhựa 200 – 500 lít có sục khí, sau đó cho tôm vào thùng và múc nước ao cho vào từ từ sau 30 phút xi phông xuống ao, tránh tôm sốc.
6. Quản lý thức ăn
a. Thức ăn và số lần cho ăn:
Sử dụng thức ăn viên công nghiệp dạng viên có hàm lượng đạm và kích cỡ phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm.
Theo ước tính khi thả PL12 tổng khối lượng 100.000 con chỉ nặng 300g, cho ăn bằng 100% khối lượng cơ thể tôm.
+ Giai đoạn từ 0 – 10 ngày tuổi: Chia lượng thức ăn thành 2 – 3 lần/ngày; (số lượng thức ăn cho ăn bằng khoảng 10 – 20% số lượng thức ăn nhà sản xuất hướng dẫn).
+ Giai đoạn từ 10 – 20 ngày tuổi: Chia lượng thức ăn thành 2 – 3 lần/ngày; (số lượng thức ăn cho ăn bằng 30 – 50% số lượng thức ăn nhà sản xuất hướng dẫn).
+ Giai đoạn từ sau 20 ngày tuổi: Chia lượng thức ăn thành 4 – 5 lần/ngày vào lúc 7 giờ, 11 giờ, 13 giờ, 16 giờ, 20 giờ.
Điều chỉnh lượng thức ăn theo nhá (vó) kiểm tra hàng ngày và duy trì cách cho ăn này đến lúc thu hoạch. Cữ (bữa) ăn lúc 20 giờ bằng 30% cữ (bữa) 16 giờ.
b. Cách cho ăn:
Trong quá trình cho ăn để đảm bảo lượng Ôxy cần điều chỉnh tốc độ của cánh quạt nhẹ hơn so với lúc chạy quạt bình thường tránh làm trôi nhanh thức ăn vào khu vực ở giữa ao làm tôm không kịp bắt mồi.
7. Quản lý môi trường ao nuôi:
– Sử dụng chế phẩm vi sinh suốt trong quá trình nuôi ( Đầu vụ 5 – 7 ngày sử dụng 1 lần, thời gian giữa vụ cho đến thu hoạch 3 – 4 ngày sử dụng 1 lần ), liều lượng và lần sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
– Bổ sung vitamin C vào thức ăn ngày 1 lần, 2 – 3 g/kg thức ăn.
– Thường xuyên trộn men tiêu hóa vào thức ăn, liều dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
– Thường xuyên kiểm tra màu nước để điều chỉnh cho phù hợp.
– Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi:
+ Ôxy, pH, độ trong; đo 2 lần/ngày.
+ Độ kiềm, NH3, H2S, 3 ngày đo 1 lần.
* Lưu ý trong quản lý môi trường:
– Tháng thứ nhất: Giữ ổn định màu nước và các chỉ số môi trường pH, kiềm, nhiệt độ, Ôxy hoà tan,.. tránh sinh tảo đáy hoặc tảo phát triển quá mức.
– Tháng thứ hai:
+ Giữ màu nước thích hợp, mực nước sâu 1,2 – 1,5 m để duy trì các yếu tố nhiệt độ, Ôxy hoà tan, pH thích hợp, dao động giữa ban ngày và ban đêm diễn ra chậm, tránh gây sốc cho tôm.
+ Định kỳ 2 – 3 ngày xi phông đáy ao 1 – 2 lần và bổ sung nước vào ao nuôi (nước đưa vào ao nuôi phải được xử lý thông qua hệ thống ao chứa).
– Thường xuyên thu gom rác thải, chất thải để xử lý đúng nơi quy định.
+ Điều chỉnh pH
Khắc phục tình trạng pH thấp < 7,0: dừng đánh hỗn hợp Rỉ mật + cám gạo + EM (200 lít nước được ủ bằng 3 lít EM + 10kg mật rỉ + 15 kg Bột gạo xay nhỏ).
Khắc phục tình trạng pH cao: Rỉ mật + cám gạo + EM ( 200 lít nước được ủ bằng 3 lít EM + 10kg mật rỉ + 15 kg Bột gạo xay nhỏ ) 1 lần dùng từ 70 lít – 100 lít đánh liên tục đến khi pH < 7,5.
+ Điều chỉnh độ kiềm
Khắc phục độ kiềm thấp: Sử dụng Dolomite 15 – 20kg/1000 m3 vào ban đêm cho đến khi đạt yêu cầu. Trong quá trình sinh trưởng, tôm cần rất nhiều khoáng nên cần duy trì độ kiềm từ 120 mg/lít trở lên bằng cách sử dụng vôi CaCO3 hoặc Dolomite và thường xuyên bổ sung khoáng cho ao nuôi vào ban đêm 3 – 5 ngày/lần giúp tôm nhanh cứng vỏ và lột xác đồng loạt.
8. Cách phòng và trị bệnh
a. Phòng bệnh tổng hợp
+ Làm sạch môi trường nước và ao nuôi:
– Nguồn nước lấy vào ao phải sạch.
– Trước khi thả tháo cạn nước, phơi đáy ao và tẩy ao bằng thuốc diệt khuẩn .
– Thường xuyên sử dụng một số chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi.
+ Tăng sức đề kháng cho tôm:
– Chọn giống phải khoẻ mạnh, kích cỡ đồng đều, không dị hình.
– Thường xuyên bổ sung Vitamin và khoáng vào thức ăn.
– Tránh không làm tôm bị sốc.
+ Ngăn ngừa bệnh:
– Chọn con giống đã qua kiểm dịch.
– Tuân thủ lịch mùa vụ.
– Không thả cỡ tôm quá nhỏ, không nên nuôi với mật độ quá dày.
– Định kỳ dùng vôi rải quanh bờ và xuống ao nuôi.
b. Một số bệnh thường gặp
* Bệnh gan tụy ( Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính EMS )
– Giai đoạn nhiễm bệnh:
Trong suốt quá trình nuôi, tập trung nhiều ở giai đoạn 10 – 45 ngày sau khi thả nuôi.
– Triệu chứng lâm sàng:
+ Giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh chưa rõ ràng.
+ Tôm chậm lớn, lờ đờ, bỏ ăn, tấp mé bờ và chết ở đáy ao nuôi.
+ Giai đoạn tiếp theo, tôm bệnh có hiện tượng vỏ mềm, màu sắc cơ thể biến đổi, gan tụy mềm nhũn, sưng to hoặc bị teo lại.
– Dấu hiệu bệnh:
+ Tổ chức gan tụy thoái hóa tiến triển cấp tính.
+ Các tế bào của tổ chức gan tụy có nhân lớn bất thường và có hiện tượng bong tróc tế bào biểu mô ống lượn và bị viêm nhẹ.
+ Giai đoạn cuối của hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính có sự tập hợp của tế bào máu ở giữa ống gan tụy và nhiễm khuẩn thứ cấp.
– Biện pháp phòng bệnh:
+ Tuân thủ lịch mùa vụ thả nuôi và chọn con giống thả nuôi đảm bảo chất lượng.
+ Thực hiện qui trình cải tạo ao (bón vôi, bừa kỹ, ngâm để phân hủy Cypermrthrin, Deltamethrin trong bùn đáy); qui trình nuôi (chỉ sử dụng chế phẩm sinh học và thức ăn thích hợp, đảm bảo chất lượng, không để dư thừa thức ăn) theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản.
+ Loại bỏ mầm bệnh EMS và các tác nhân gây bệnh khác trong ao nuôi.
+ Thiết lập một quần thể vi khuẩn cân bằng trong ao. đã trưởng thành, với số lượng các vi khuẩn có lợi chiếm ưu thế trong ao trước khi thả giống.
+ Sản xuất con giống có khả năng kháng bệnh EMS. Chỉ thả giống khỏe mạnh và không nhiễm bệnh.
+ Khử trùng bằng các phương pháp như dùng iodine hay ozon…
+ Quản lý chặt chẽ chất lượng nước và bùn đáy ao, các yếu tố môi trường, duy trì màu nước ổn định không để tảo chết là cách phòng bệnh hiệu quả nhất.
– Khi tôm nuôi được 20 ngày tuổi, cho ăn thức ăn phòng bệnh: Sử dụng thuốc bổ gan Boganic với lượng 2 viên/kg, 1 lần/ngày cho ăn liên tục từ 10 – 15 ngày.
– Cần thường xuyên theo dõi sức khoẻ tôm để phát hiện tôm bị bệnh sớm nhằm đưa ra giải pháp điều trị thích hợp.
* Bệnh Phân trắng
– Tác nhân gây bệnh:
+ Bệnh này do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do virus vi khuẩn, ký sinh trùng, yếu tố môi trường, trong đó tác nhân chủ yếu là vi bào tử thuộc giống Plexstophora và vi khuẩn thuộc giống Vibrio.
+ Bệnh thường xuất hiện trong mùa nắng nóng, nhiệt độ nước cao, mật độ nuôi cao; tôm dễ bị bệnh khi nuôi được từ 40 đến 90 ngày. Đặc biệt, bệnh thường xuất hiện khi thời tiết bất thường (nắng nóng, mưa kéo dài hoặc khi thời tiết thay đổi). Bệnh xuất hiện cả trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng.
– Dấu hiệu bệnh:
Khi tôm bị bệnh, kiểm tra sàn/nhá/vó sẽ thấy phân dài > 1cm là có dấu hiệu bệnh, phân tôm màu trắng trên sàn ăn hoặc nổi trên mặt nước dọc bờ ao, góc ao là bệnh đã xuất hiện (cuối hướng quạt nước, cuối hướng gió). Tôm bị phân trắng sẽ giảm ăn hoặc ăn không tăng theo tuổi. Kiểm tra tôm sẽ thấy ruột tôm không đầy thức ăn, có những đốm màu vàng cát ở phần cuối ruột. Tôm bị óp, vỏ mỏng, teo nhỏ dần và chậm lớn.
– Cách phòng ngừa bệnh phân trắng trên tôm
+ Để phòng ngừa bệnh này, cần phải chuẩn bị ao nuôi sạch sẽ ngay từ đầu. Không sử dụng thức ăn bị nấm, mốc.
+ Trong quá trình nuôi quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường; định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch môi trường. Thay nước định kỳ và sử dụng hóa chất diệt khuẩn sẽ giúp hạn chế bệnh phân trắng, đặc biệt trong những thời điểm nắng nóng, mưa kéo dài.
+ Tăng cường men vi sinh tiêu hóa, giúp tôm hấp thụ thức ăn tốt hơn. Bổ sung vitamin và khoáng chất giúp tôm tăng cường sức khỏe và giảm căng thẳng (stress). Đối với những con tôm bị chết phải vớt ra khỏi ao để tránh tình trạng bệnh lây lan do tôm khỏe ăn tôm bệnh.
– Cách trị bệnh:
+ Áp dụng triệt để biện pháp phòng bệnh tổng hợp
+ Sử dụng vi sinh và một số men tiêu hóa trộn cho ăn để tăng cường hệ vi sinh đường ruột và giúp tôm tiêu hóa tốt, kết hợp làm sạch môi trường ao nuôi bằng một số loại diệt khuẩn nhẹ như: Iodine, Nano bạc …
* Bệnh đốm trắng
– Tác nhân gây bệnh:
Bệnh do White spot syndrome virus (WSSV) gây ra. Bệnh có khả năng gây chết cao, tỷ lệ gây chết lên đến 100% sau 3 đến 10 ngày phát bệnh.
– Dấu hiệu bệnh:
+ Tôm có thể bị chuyển sang màu hồng đỏ, bơi lờ đờ trên mặt nước, khả năng tiêu thụ thức ăn giảm rõ ràng.
+ Cơ thể tôm xuất hiện các đốm trắng tròn dưới vỏ, tập trung chủ yếu ở giáp đầu ngực và đốt bụng cuối cùng.
– Cách phòng ngừa:
Để phòng bệnh cần thực hiện tốt các nguyên tắc sau:
+ Xét nghiệm, chọn tôm bố mẹ, tôm giống không nhiễm WSSV, có chất lượng tốt;
+ Chọn mùa vụ nuôi thích hợp;
+ Nguồn nước cho vào ao nuôi không được lấy trực tiếp, phải được lắng lọc;
+ Ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh thông qua vật chủ trung gian như: Các loài giáp xác hoang dã …
+ Quản lí và theo dõi chặt chẽ môi trường nước ao.
9. Thu hoạch
Tùy theo giá cả mà người nuôi chọn thời điểm thu hoạch cho phù hợp khi tôm đạt kích cỡ.
Trước khi thu hoạch cần theo dõi chu kỳ lột xác của tôm và hạn chế thu khi tôm còn mềm vỏ để tránh tình trạng tôm bán bị rớt giá. Có thể sử dụng một số khoáng tạt giai đoạn này để giúp tôm nhanh cứng vỏ, bóng đẹp trước khi thu 10 ngày như (Lasan khoáng, Premix A, …).
Nguồn: TTKNNA