Mô hình tôm lúa quảng canh cải tiến

Mô hình tôm lúa quảng canh cải tiến

Xây dựng thương hiệu lúa thơm-tôm sạch - Báo Cần Thơ Online

Mô hình tôm lúa quảng canh cải tiển khác với cách nuôi quảng canh truyền thống ở thiết kế mương, bờ bao và trảng trồng lúa, vuông nuôi với diện tích trung bình khoảng 1 ha /hộ. Đối tượng tôm nuôi vẫn chủ yếu là tôm sú, tôm được nuôi trong mùa khô và chỉ thả tôm giống nhân tạo với mật độ 5 – 10 con/m2, chỉ có thức ăn công nghiệp được sử dụng trong suốt quá trình nuôi, năng suất thu hoạch đạt 400 – 800kg/ha/năm. Trong khi đó, vụ sản xuất lúa trong mùa mưa có thể đạt được năng suất 5 – 6 tấn/ha.

Nuôi tôm trong ruộng lúa là hình thức canh tác kết hợp giữa trồng trọt và thủy sản. Phương thức nuôi này không những làm giảm việc tranh diện tích sản xuất mà còn góp phần tăng thu nhập trên một mảnh đất, nuôi tôm trong ruộng lúa, không làm giảm năng suất lúa mà còn có sản phẩm tôm. Để áp dụng trước tiên cần đáp ứng điều kiện về công trình nuôi tôm và trồng lúa.

Công trình được chuẩn bị từ đầu vụ vào mùa khô khoảng tháng 1, tháng 2 dương lịch sau khi thu hoạch lúa. Hệ thống công trình hoàn chỉnh gồm ao lắng, ao ương, ruộng nuôi, cống cấp thoát, nơi chứa bùn thải. Bờ bao phải chắc chắn không rò rỉ, rộng đáy mương 2 – 3m, độ sâu mực nước 1 m trở lên, nước trên trảng 0,5m trở lên.

Cải tạo ao nuôi tôm trên nền trồng lúa.

Để thích hợp cho việc nuôi tôm trong ruộng lúa cần xây dựng mặt trảng thành từng luống, có mương xẻ để diện tích cho tôm được mở rộng thông thoáng, thuận tiện cho tôm phát triển giai đoạn tôm lên ruộng cũng như thao tác trong quá trình chăm sóc lúa.

Ao ương, ruộng nuôi tôm sú được cải tạo từ đầu vụ, ao ương tôm càng xanh được cải tạo khoảng tháng 5 – 6 dương lịch (có thể sử dụng ao ương tôm sú cải tạo lại để ương tôm càng xanh chuẩn bị nguồn tôm giống cho vụ nuôi tôm càng trên ruộng lúa).

Quy trình cải tạo được thực hiện như sau:

– Ao mới đào: ngâm rửa nhiều lần, bón lót vôi từ 50 – 100kg tùy theo pH đất, phơi đất.

– Ao cũ: sên vét bùn đáy ao mương, sửa cống, bọng đầm nén bờ tránh rò rỉ nước.

Lưu ý: sau khi thu hoạch lúa dọn sạch gốc rạ cho nước vào ngâm cho rạ mục rồi bơm cạn, phơi ruộng đến nức châm chim thì bón lót vôi.

– Rải vôi lúc đất còn ẩm, rải lúc sáng sớm trời ít gió.

– Bón nhiều vôi ở nơi còn úng ngập nước.

– Ruộng nhiều phèn không phơi ao quá khô.

– Chú ý diệt ốc, tôm, tép tạp trong lúc cải tạo phơi ao.

– Ao ương cần được cải tạo kỹ càng hơn.

Đầu vụ nuôi tôm sú khi ngành chức năng và quản lý địa phương có thông báo lịch thả giống thì môi trường nước công cộng đã đạt yêu cầu về độ mặn và các chỉ tiêu khác về môi trường, mầm bệnh. Chọn con nước rong, nước lớn có độ mặn phù hợp, lấy nước vào ao lắng, ruộng nuôi và ao ương. Nước được lấy thông qua túi lọc, càng lọc kỹ càng tốt để tránh tôm, tép, cá tạp.

Diệt tạp sau khi lấy nước đầy ao lắng, ao ương, ruộng nuôi liên tiếp khoảng 3 – 5 ngày sử dụng một trong các phương pháp sau đây:

–  Thuốc cá dây: 10 – 15 kg/1.000m3 nước (độ mặn thấp)

–  Saponin: 10 – 15 kg/1.000m3 (độ mặn >= 8%)

Diệt khuẩn

–  Thuốc tím:  3 – 5 kg/1.000 m3 nước

–  Iodin: 1 lit/1 – 2.000 m3 nước

Gây màu tạo thức ăn tự nhiên:

Sau 5 – 7 ngày diệt khuẩn tiến hành gây màu tạo thức ăn tự nhiên ban đầu cho tôm:

+ Hỗn hợp cám mịn – bột đậu nành – bột cá lạt (tỷ lệ 1:1:1), 3 – 5 kg/1.000 m3 nước nấu, ngâm ủ (18 – 24h) với vi sinh thuộc nhóm Bacillus spp, sử dụng trước khi thả giống 7 ngày, 3 ngày và 1, 3, 5 ngày liên tục sau khi thả giống.

+ Phân vô cơ: NPK, DAP liều từ 1 – 3 kg/1.000 m3 kết hợp bón vi sinh (B.subtilis, Nitro somonas, nitro bacter…) liều cao để tạo nguồn vi khuẩn có lợi phát triển trong ao và nền đáy giúp phân hủy hữu cơ và đối kháng vi khuẩn gây bệnh phát sinh trong môi trường ao nuôi.

+ Bổ sung thêm vôi Dolomite, canxi carbonat, khoáng đa và vi lượng hỗ trợ cho sự phát triển của tảo và ổn định các yếu tố môi trường.

Kiểm tra các yếu tố môi trường trước khi thả giống: Độ mặn từ 3 ‰ trở lên; Độ trong 3 – 3,5 tấc; pH: 7.5 – 8.5; Độ kiềm 80 – 120 mg/L.

Sau khi thả tôm thì việc chăm sóc, quản lý vô cùng quan trọng, nhất là khâu cung cấp thức ăn và quản lý môi trường ao nuôi:

Đối với tôm sú: Tháng đầu tiên: cho ăn thức ăn công nghiệp, mỗi ngày từ 2 – 3 cử, lượng thức ăn trong ngày đầu 1 kg/ 100.000 con giống. Lượng thức ăn tăng tính trên 100.000 con giống thả. Tuần 1 tăng 100 gr/ngày; tuần 2 tăng 200 gr/ngày; tuần 3 và 4 tăng 300 gr/ngày.

Nếu nuôi tôm sú ở mật độ thấp <= 3 con/m2 trong điều kiện chuẩn bị ao tốt (gây màu tạo thức ăn tự nhiên) có thể không cần cho ăn trong 10 – 15 ngày đầu, tuy nhiên cũng cần tập cho tôm quen dần thức ăn công nghiệp nên cho tôm ăn ít trong những ngày đầu mới thả.

Sau 10 ngày thả, đặt sàn để kiểm tra tỉ lệ sống của tôm, cho một ít thức ăn vào sàn để tôm quen dần, thường thì khoảng 20 ngày tôm quen sàn và ăn hết thức ăn trong sàn khi tôm được 30 ngày tuổi. Từ tháng thứ 2 trở đi: cho tôm ăn 4 – 5 cử/ngày, lượng thức ăn được tính toán dựa vào thời gian tôm ăn hết sàn.

Đối với tôm càng xanh: Việc quản lý cho ăn nên bắt đầu từ giai đoạn thả ương, tôm thuộc loại háo ăn, khi thiếu thức ăn tôm ăn thịt lẫn nhau sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, tập tính tôm ăn mạnh vào chiều tối cần lưu ý để tôm sử dụng tốt thức ăn. Tôm không có nhu cầu độ đạm cao nên sử dụng tốt thức ăn công nghiệp cho tôm thẻ, giai đoạn tôm lên ruộng sử dụng tự nhiên là chủ yếu khi mật độ thưa 0,5 – 1 con/m2, tuy nhiên cũng cần bổ sung thêm thức ăn tự chế hoặc thức ăn công nghiệp để tôm được ăn no đầy đủ.

Quản lý môi trường ao nuôi: Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường để điều chỉnh cho thích hợp sẽ giúp tôm khỏe, lớn nhanh, phòng tránh bệnh: pH kiểm tra 2 lần/ngày; độ kiềm: kiểm tra 3 ngày/lần; kiểm tra các khí độc thường xuyên…

Duy trì mực nước 0,5 m trở lên đối với mặt ruộng và 1 m trở lên đối với mương hoặc ao. Nước cấp thêm phải được lắng, lọc, xử lý từ ao lắng, không cấp nước trực tiếp từ sông, rạch vì dễ bị nhiễm bệnh và số tôm. Theo Thạc sĩ Lâm Ánh Tiên, Phó Phòng Kỹ thuật – Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng: “Mô hình tôm – lúa có đặc điểm là phải đảm bảo thời gian nuôi tôm nước lợ sao cho đạt giá trị thương phẩm, nhưng bà con phải kết thúc vụ nuôi và rửa mặn để lấp lại vụ lúa vào tháng 10 mỗi năm. Do đó, bà con phải thả tôm giống nước lợ khoảng tháng 3, tháng 4, cần phải chuẩn bị 1 ao ương dưỡng con giống. Sau khi sang tôm ương dưỡng qua ao nuôi thì ao ương dưỡng này cải tạo lại để ương dưỡng giống tôm càng xanh nhân tạo, để khi nền ao nuôi tôm lấp lại vụ lúa thì bà con đưa tôm càng xanh vào nuôi trong ruộng lúa”.

Duy trì mực nước ao nuôi đối với mặt ruộng và mương hoặc ao.

Thu hoạch:

Đối với tôm sú: sau thời gian nuôi 5 – 6 tháng, tôm đạt kích cỡ 30 – 35 con/kg thì có thể thu hoạch, nên thu hoạch khi tôm cứng vỏ, nếu thấy vỏ tôm lột nhiều thì khoảng 7 – 8 ngày sau mới thu hoạch, trong thời gian này thường xuyên bón vôi để tôm chắc, khỏe, vỏ bóng đẹp sẽ nặng cân.

Đối với tôm càng xanh: thu hoạch vào tháng 1 năm sau, sau mùa thu hoạch lúa, tôm nuôi được 6 – 8 tháng, đạt kích cỡ 8 – 15 con/kg (loại 1 và loại 2). Tôm bán được giá khi sống (tôm oxy) vì vậy cần liên hệ mối lái trước khi có quyết định thu hoạch tôm. Chuẩn bị vèo trong ao, thu tôm thả vào vèo để chủ động khi bán tôm sống.

Đối với lúa: thu hoạch vào khoảng tháng 1 dương lịch, trước khi thu hoạch nên rút nước xuống mương để không ảnh hưởng đến tôm nuôi, rút nước từ từ nhiều ngày để tôm rút về được mương bao, kiểm tra tôm dưới mương nếu thấy tôm nằm nhiều thì tiến hành thu hoạch lúa.

tepbac

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Liên hệ nhanh